1. Chứng khoán phái sinh là gì?

  • Chứng khoán phái sinh/Hợp đồng tương lai là một thoả thuận mua/bán Tài sản cơ sở (chỉ số VN30, VN50, HNX30…) trong tương lai với giá được xác định tại thời điểm hiện tại.

  • Tính đến thời điểm cuối 2018, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có một sản phẩm duy nhất là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

  • NĐT tham gia có thể thực hiện Mua/Bán khi dự báo thị trường Tăng/Giảm. Với NĐT tham gia vị thế mua sẽ có lãi khi giá HĐTL tăng và lỗ khi giá giảm so với giá vốn. Ngược lại, với NĐT tham gia vị thế bán sẽ có lãi khi giá HĐTL giảm và lỗ khi giá tăng.

  • Ví dụ, giả sử hiện tại HĐTL chỉ số VN30 đang giao dịch tại 900 điểm, nếu NĐT mua tại mức giá này mà sau đó giá tăng lên 920 thì NĐT được lãi 2 triệu trên số vốn khoảng 16 triệu. Ngược lại nếu NĐT thực hiện bán tại 900 mà sau đó giá tăng lên 920 thì sẽ lỗ 2 triệu, tuy nhiên khi giá giảm thì NĐT sẽ có lãi. Do đó, NĐT có thể sử dụng phái sinh để sinh lời ngay cả khi thị trường đi xuống.

2. Chứng khoán phái sinh bao gồm những sản phẩm gì?

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

  • Hợp đồng kỳ hạn (Forward): là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.

  • Hợp đồng tương lai (Future): là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

  • Hợp đồng quyền chọn (Option): Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

  • Hợp đồng hoán đổi (SWAP): Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Trong đó, hợp đồng tương lai là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30. Trong tương lai dự kiến sẽ thêm HĐTL chỉ số VN50, HNX30 và HĐTL trên trái phiếu chính phủ.

3. Các lợi ích của chứng khoán phái sinh

  • Mua bán 2 chiều: Không như Chứng khoán cơ sở là NĐT phải Mua rồi mới bán được, với CKPS NĐT có thể Mua rồi bán hoặc Bán trước mua lại sau.

  • Giao dịch T0: nghĩa là NĐT vừa mua xong có thế bán ngay, hoặc bán rồi có thể mua lại ngay, không phải chờ 2 ngày chứng khoán/tiền về như cơ sở. Đặc tính này giúp NĐT quay vòng vốn nhanh, có thể sinh lời trên mọi biến động của thị trường.​

    Rủi ro: Đặc điểm này cũng mang lại rủi ro cao cho NĐT. Với CKCS nếu NĐT sai thì chỉ sai 1 lần trong 1 phiên, nhưng với phái sinh NĐT có thể sai liên tiếp nhiều lần trong ngày.

  • Phòng ngừa rủi ro cho danh mục khi thị trường giảm: Nếu NĐT đang nắm giữ danh mục chứng khoán cơ sở mà không bán được (do thanh khoản thấp, chứng khoán hạn chế chuyển nhượng...) hoặc không muốn bán thì có thể vẫn nắm giữ danh mục cơ sở và thực hiện bán phái sinh để PNRR cho danh mục cơ sở. Lỗ từ danh mục cơ sở khi thị trường giảm điểm sẽ được cân bằng lại bằng khoản lãi từ BÁN phái sinh. 

  • Đòn bẩy cao 5.5 lần và không mất chi phí lãi suất: NĐT chỉ cần ký quỹ 17%-18.5% giá trị hợp đồng (tuỳ CTCK). Trong khi đó ở Cơ sở NĐT phải bỏ ra 100%, hoặc đi vay.

4. Phái sinh thực hiện thanh toán lãi lỗ hàng ngày

Thanh toán lãi lỗ hàng ngày là một điểm khác biệt lớn với chứng khoán cơ sở. Lãi lỗ của NĐT được tính toán net hàng ngày

  • Các hợp đồng đã đóng: Lãi/(lỗ) = Giá bán – Giá mua

  • Các hợp đồng mở qua ngày: Lãi/(lỗ)

    • Vị thế Mua: Lãi/(lỗ) = Giá đóng cửa phiên – Giá mua
    • Vị thế Bán: Lãi/(lỗ) = Giá bán – Giá đóng cửa phiên

Các khoản lãi/lỗ của NĐT sẽ được thanh toán vào phiên giao dịch tiếp theo:

  • Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của NĐT lỗ ròng: Khoản lỗ sẽ tạm giữ lại ngay khi phát sinh và CTCK thực hiện chuyển tiền lỗ trước 9h sáng phiên giao dịch tiếp theo.

  • Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của NĐT lãi ròng: NĐT sẽ nhận được đầy đủ số lãi vào 11h sáng phiên giao dịch tiếp theo.

Xác định giá đóng cửa (giá thanh toán) hàng ngày:

  • Trước khi đáo hạn: Giá thanh toán để xác định lãi lỗ của HĐTL là giá ATC của hợp đồng đó

  • Tại ngày đáo hạn: Giá thanh toán là giá kết thúc phiên của chỉ số VN30

5. Các thông số của Hợp đồng tương lai

  • Giá trị hợp đồng được xác định theo công thức sau:

Giá trị hợp đồng = Hệ số nhân  * Giá của HĐTL. 
Trong đó: Hệ số nhân được HNX quy định với HĐTL chỉ số VN30 là 100,000 đồng
Ví dụ: Quy mô của hợp đồng tháng 3/2019 tại giá 1000 điểm được xác định bằng:
1000 điểm * 100,000 đồng = 100 triệu đồng

  • Giá trị ký quỹ:

Khác với cơ sở là phải bỏ ra 100% giá trị cổ phiếu để sở hữu (không tính đến phần vay/margin của CTCK), phái sinh chỉ phải ký quỹ 1 phần.
Tỷ lệ ký quỹ hiện tại của các CTCK vào khoảng 18-18.5%, vậy với hợp đồng quy mô 100 triệu thì nhà đầu tư cần có 18-18.5 triệu đồng trong Tài khoản ký quỹ để tham gia mua/bán 1 HĐ.

  • Tháng đáo hạn: Theo quy định của HNX thì trên thị trường sẽ luôn tồn tại 4 mã HĐTL theo quy tắc: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối quý tiếp theo. Quy tắc này giúp cho thị trường luôn tồn tại các hợp đồng kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài, đáp ứng nhu cầu đầu tư ngắn hạn và dài hạn của NĐT

  • Ngày đáo hạn hợp đồng/ ngày giao dịch cuối cùng: Ngày giao dịch cuối cùng là ngày thứ 5 thứ ba trong tháng đáo hạn. Ví dụ, hợp đồng tương lai tháng 03/2019 sẽ đáo hạn vào ngày thứ 5 thứ ba của tháng 3/2019. Sau khi đáo hạn, nhà đầu tư sẽ không thể tiếp tục giao dịch hợp đồng này nữa. Các hợp đồng còn mở của NĐT sẽ được tự động đóng khi đáo hạn.

  • Ngày thanh toán cuối cùng: Ngày thanh toán cuối cùng là ngày giao dịch liền sau ngày đáo hạn.

  • Giá thanh toán hàng ngày: Giá thanh toán hàng ngày: Theo giá đóng cửa phiên ATC của HĐTL.

  • Giá thanh toán cuối cùng: VN30 là tài sản cơ sở của HĐTL do đó khi hợp đồng đáo hạn, giá thanh toán sẽ là giá của VN30 thay vì giá đóng cửa của HĐTL.

  • Phương thức thanh toán: Theo quy định, các HĐTL chỉ số VN30 sẽ được thanh toán chênh lệch hàng ngày bằng tiền. Bên lỗ sẽ thanh toán chênh lệch cho bên lãi vào phiên giao dịch tiếp theo (T+1)

  • Bên lỗ: Phải thanh toán trước 9h sáng phiên giao dịch tiếp theo

  • Bên lãi: Nhận được tiền lãi vào 11h sáng phiên giao dịch tiếp theo

6. Giới hạn vị thế

Theo quy định của VSD (tính đến 30/11/2018), tổng các vị thế mở của nhà đầu tư bị giới hạn như sau:

  • NĐT cá nhân: 5,000 hợp đồng (bao gồm tất cả các mã HĐTL chỉ số VN30)

  • NĐT tổ chức: 10,000 hợp đồng

  • NĐT chuyên nghiệp (CTCK, quỹ đầu tư): 20,000 hợp đồng